Hotline : 0916539439 Email : hotro@vicosap.vn

BẠO LỰC NGÔN TỪ TRÊN MẠNG XÃ HỘI LÀ MỘT LƯỠI DAO “VÔ HÌNH"

Ngày đăng: 01:21 PM 30/09/2023 - Lượt xem: 9879

Bạo lực ngôn từ là một trong những hình thức gây tổn thương người đối diện một cách nặng nề, nó vẫn đang diễn ra hằng ngày. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người xa lạ với khái niệm này.

Theo kết quả nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), 78% người được hỏi tại Việt Nam đều khẳng định từng là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội hoặc biết những trường hợp tương tự. 
Đối với hình thức này, mọi người thường sử dụng những lời nói có tính chất tiêu cực, lăng mạ. Thậm chí có nhiều trường hợp, vì những lời nói tiêu cực mà gây ra những hậu quả vô cùng đáng tiếc!
Bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội là gì?
Mạng xã hội là hệ thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng và tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau; bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân,... Mạng xã hội có thể truy cập các ứng dụng hoặc website giúp kết nối mọi người bất cứ nơi đâu, bất kì ai, giúp người dùng trao đổi thông tin với nhau một cách dễ dàng. 
 
Bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội là hành vi lạm dụng ngôn ngữ của cư dân mạng khi sử dụng mạng xã hội trong không gian ảo (Internet) nói riêng và là một phần mở rộng của bạo lực xã hội nói chung nhằm đe dọa, xúc phạm, hạ thấp giá trị người khác, thỏa mãn cảm xúc cá nhân, vô hình gây nên những tổn thương tâm lý cho người tiếp nhận, thậm chí ảnh hưởng tới thể chất và có thể thiệt hại cả tính mạng.
 
Bạo lực có thể xuất phát từ những bức xúc của công chúng về một vấn đề xã hội chưa được giải quyết thấu đáo, cũng có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, bị kích động dẫn đến tâm lý “adua", nó cũng xuất phát từ việc chúng ta được tự do thể hiện quan điểm cá nhân. 
Đặc điểm của bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội 
Mang tính ngẫu nhiên, tự do
Trên các trang mạng xã hội, người dùng có thể giao tiếp với nhau thông qua các hình thức như viết trạng thái (status), bình luận (comment), chat,... và cách hiểu của người tham gia hoàn toàn bị chi phối bởi chính cảm xúc, tâm lý, định kiến và những ẩn ức của họ, những điều này hình thành nên những luồng quan điểm, ý kiến trái chiều.  Tính tự do của mạng xã hội cũng làm cho con người không kiểm soát được cảm xúc, suy nghĩ của mình mà đưa ra những đánh giá, phán xét người khác một cách thiếu chuẩn mực. 
Hiện tượng “đám đông ảo" trên mạng xã hội. Những đám đông này được tập hợp rất nhanh chỉ với vài thao tác đơn giản bởi những người có cùng mục đích, quan điểm, tư tưởng nhưng vì tính hiếu kỳ, muốn biết sự thật, muốn bảo vệ một người khác hay đấu tranh về một sự việc nào đó,... 
 
Nội dung bạo lực ngôn từ mạng xã hội thường là những lời lẽ xúc phạm, chửi bới, miệt thị, đe dọa, xâm phạm quyền riêng tư cá nhân
Bạo lực ngôn từ có thể là những lời nói xúc phạm, chửi bới, miệt thị, đe dọa. Những từ ngữ vượt quá phạm vi của sự hợp lí, vượt  ra ranh giới của đạo đức và pháp luật. 
Xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, cộng đồng mạng tập trung công kích những điều mà người ta cho rằng đó là điểm bất thường, kì lạ của một cá nhân nào đó. Danh tính cá nhân này sẽ nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội và gây ra tác động tiêu cực đến đời sống của cá nhân liên quan.
 
Hành vi bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội có thể lan truyền dạng văn bản, hình ảnh, âm thanh
Bạo lực ngôn từ mạng xã hội dạng văn bản, đó là những dòng bình luận, dòng chia sẻ trạng thái, một bài viết nào đó mang tính tiêu cực, ngôn ngữ công kích, độc ác.
Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, những đoạn clip, livestream,... có những lời lẽ xấu, đe dọa, quấy rối người khác.
Lưỡi dao “vô hình”
Nhiều người nghĩ đó chỉ là nhận xét khách quan, nhưng lại là những suy nghĩ chủ quan của người đánh giá bởi họ không ở vị trí của người tiếp nhận câu nói, không thể hiểu thể trạng, những vấn đề người đó gặp phải.
 Body Shaming là hình thức dễ nhận thấy bạo lực ngôn từ mạng xã hội nhất hiện nay, những lời nói chê bai, châm chọc tưởng chừng như là những trò đùa bình thường nhưng đó đều như những “lưỡi dao vô hình", gây tổn thương đối phương. Bạo lực ngôn từ có thể gây ra sát thương không kém gì bạo lực thể xác, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
 
Cách hạn chế và khắc phục tình trạng bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội
Xây dựng văn hóa Internet, tạo môi trường mạng lành mạnh
Nâng cao kỷ luật tự giác, ý thức tự trau dồi bản thân và tự bảo vệ mình của người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cấp rộng Luật An ninh mạng
Tích cực nâng cao vai tò của gia đình và trường học trong phòng chống bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội. 
Nguồn: Tổng hợp từ Internet