Hotline : 0916539439 Email : hotro@vicosap.vn

Kết nối vùng nông nghiệp trọng điểm với đầu tàu cả nước

Ngày đăng: 08:50 AM 21/03/2023 - Lượt xem: 390

Kết nối vùng nông nghiệp trọng điểm với đầu tàu cả nước

Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, vùng nông nghiệp trọng điểm cả nước vừa ký kết chương trình hợp tác đến năm 2025 với TP.HCM - vùng kinh tế đầu tàu cả nước.

Ngày 11/3, tại tỉnh Bến Tre diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác và triển khai phương hướng phát triển kinh tế xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đến năm 2025.

Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre vấn đề liên kết, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL giữ vai trò hết sức quan trọng và là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Liên kết sẽ giúp cho việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh và sử dụng các nguồn lực sẵn có của toàn vùng hiệu quả hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết Bến Tre hợp tác với TP.HCM đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Minh Đảm.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết Bến Tre hợp tác với TP.HCM đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Minh Đảm.

Tại Bến Tre, ngành NN-PTNT triển khai nhiều hoạt động hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực. Các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp của Bến Tre đã cung ứng các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh như: hàng tấn bưởi da xanh, tôm càng xanh, dừa tươi, cua biển, heo, bò… cho các siêu thị, chợ đầu mối tại TP.HCM với chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, Bến Tre đã thực hiện kiểm dịch trên 196.000 con heo thịt, 15.000 con bò, khoảng 5,5 triệu con gà và 4,1 triệu con vịt xuất vào thị trường TP.HCM.

Trên lĩnh vực thương mại, các doanh nghiệp của tỉnh Bến Tre đã tìm được 10 đại lý phân phối tại TP.HCM, ký được 122 hợp đồng hoặc biên bản ghi nhớ hợp tác với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối, chuỗi bán lẻ...

Trên lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thông qua Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Bến Tre đã có cơ hội tiếp cận với khá nhiều nhà đầu tư tại TP.HCM, nhất là các nhà đầu tư Nhật BảnHàn Quốc. Kết quả, đã có 15 dự án do các doanh nghiệp TP.HCM đầu tư tại các khu công nghiệp của tỉnh. Giai đoạn 2018-2021, tỉnh đã kêu gọi đầu tư được 2 dự án, với tổng vốn 668 tỷ đồng. Riêng năm 2022, tỉnh cũng thu hút được 3 dự án với tổng số vốn 417 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại hội nghị. Ảnh: Minh Đảm.

Doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại hội nghị. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Sài Gòn COOP) cho hay: Năm 2023 đánh dấu 20 năm Sài Gòn COOP đầu tư tại ĐBSCL. Hoạt động kinh doanh của đơn vị đã giúp dịch chuyển thương mại từ truyền thống sang hiện đại, gia tăng mức sống của người dân miền Tây. Các siêu thị COOPMart, trung tâm thương mại Sense City đã đóng góp doanh số 6.000 tỷ đồng vào GRDP của địa phương, giải quyết 3.500 lao động với thu nhập bình quân, 115 triệu đồng/người/năm (gấp đôi bình quân của khu vực).

Kết nối vùng nông nghiệp trọng điểm với đầu tàu cả nước

 

TP.HCM có vị trí quan trọng, là động lực, đầu tàu dẫn dắt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tại hội nghị, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành phố ĐBSCL đã ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối chung đến năm 2025. Hợp tác gồm 6 nội dung chung và từng địa phương sẽ có nội dung riêng. Trong đó có 3 vấn đề nổi lên là kết nối thông giữa TP.HCM và ĐBSCL; kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản, đầu tư; đào tạo nguồn lực y tế cần tập trung triển khai có trọng tâm, có hiệu quả.

TP.HCM và các tỉnh, thành phố ĐBSCL vừa ký kết thoả thuận hợp tác đến năm 2025. Ảnh: Minh Đảm.

TP.HCM và các tỉnh, thành phố ĐBSCL vừa ký kết thoả thuận hợp tác đến năm 2025. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng cần quan tâm phát triển hạ tầng giao thông cho ĐBSCL, mà trước hết, TP.HCM, Long An cùng với Tiền Giang có tiếng nói chung kiến nghị Chính phủ đầu tư giai đoạn 2, mở rộng các tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận. Ngoài ra, ông còn kiến nghị đầu tư xây dựng trung tâm thu mua nông sản, khai thác vận tải đường thuỷ, phát triển du lịch, đầu tư. “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn hạ tầng để các bệnh viện TP.HCM đầu tư bệnh viện vệ tinh tại Tiền Giang, qua đó giảm áp lực cho các bệnh viện của TP.HCM”, Chủ tịch tỉnh Tiền Giang nói.

Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Bến Tre cũng cho rằng nông sản ĐBSCL rất đa dạng. Trải qua đợt suy thoái mang tính toàn cầu do chiến tranh, lạm phát… nên sức mua thị trường yếu. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Hai tháng đầu năm 2023, xuất nhập khẩu giảm 13%, trong đó nông sản bị ảnh hưởng rất nặng nề. Tỉnh Bến Tre cũng như ĐBSCL, khai thác tài nguyên bản địa, sản phẩm OCOP rất phong phú.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bến Tre kiến nghị TP.HCM hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ nút thắt, đặc biệt hàng hóa vào siêu thị. “Sản phẩm địa phương, OCOP đã được chứng nhận các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sạch xuất khẩu đi toàn cầu nhưng chưa chắc vô siêu thị được. Mong cố gắng giới thiệu để người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm hàng Việt Nam, đặc biệt giai đoạn khó khăn này”, ông Trần Văn Đức kiến nghị.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định sự phát triển của thành phố có nhiều đóng góp của ĐBSCL nói riêng và các vùng kinh tế nói chung. Ảnh: Minh Đảm.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định sự phát triển của thành phố có nhiều đóng góp của ĐBSCL nói riêng và các vùng kinh tế nói chung. Ảnh: Minh Đảm.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: TP.HCM ý thức rằng sự phát triển của thành phố có sự đóng góp rất lớn của vùng ĐBSCL và các vùng khác. Thành phố không thể phát triển nhanh và bền vững nếu thiếu sự hợp tác hỗ trợ của ĐBSCL và các vùng. “Đây không phải là việc TP.HCM đến để hỗ trợ các địa phương mà TP.HCM cần ĐBSCL và các vùng. Thật sự chúng tôi có trách nhiệm trong mối quan hệ bình đẳng cùng phát triển”, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành của thành phố có kế hoạch triển khai nhiệm vụ kết nối thực hiện hiệu quả chương trình thỏa thuận hợp tác hôm nay. Chương trình này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương cũng như mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TP.HCM cho các địa phương trong vùng.

Báo Nông Nghiệp (Minh Đảm)