Hotline : 0916539439 Email : hotro@vicosap.vn

Tăng hợp tác kinh tế - xã hội sâu rộng giữa TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL

Ngày đăng: 08:45 AM 21/03/2023 - Lượt xem: 322

Tăng hợp tác kinh tế - xã hội sâu rộng giữa TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL

 

Chương trình liên kết kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL thời gian qua được đánh giá hết sức hiệu quả và cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Hôm nay (11/3), tỉnh Bến Tre đăng cai tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 – 2022 và phương hướng đến 2025. Đây là hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TP.HCM cho các địa phương trong vùng. Dự hội nghị có lãnh đạo chính quyền, các ngành chức năng, cộng đồng DN của TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Trong những năm qua, TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tại TP.HCM, lĩnh vực thương mại - dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp ngày càng lớn việc lưu thông hàng hóa xuyên suốt, góp phần đảm bảo cân đối cung - cầu, ổn định giá cả thị trường.

TP.HCM đã triển khai thực hiện tốt vai trò kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh, thành; quan tâm hỗ trợ DN xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương.

 

Thông qua chương trình liên kết hợp tác, các DN của tỉnh Bến Tre đã tìm được 10 đại lý phân phối tại TP.HCH, ký được 122 hợp đồng/biên bản ghi nhớ hợp tác với DN, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối, chuỗi bán lẻ,... tại TP.HCM.

Nhiều nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP, đặc biệt là rau quả của tỉnh Đồng Tháp được cung ứng tiêu thụ tại các siêu thị, chợ đầu mối và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống tại TP.HCM. Ngoài ra, TP.HCM còn hỗ trợ các nhà vườn, Hội sinh vật cảnh Đồng Tháp tham gia trưng bày và bán hoa kiểng trong các dịp lễ hội hoa xuân tại TP.HCM. Thông qua các hội nghị giao thương nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác thương mại cũng được ký kết.

Tỉnh Kiên Giang năm qua phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển DN TP.HCM – Sở Công Thương TP.HCM giới thiệu, kết nối tiêu thụ 100 sản phẩm nông thủy sản Kiên Giang với các DN TP.HCM. Phối hợp với Hiệp hội DN TP.HCM, Liên hiệp các HTX Thương mại TP.HCM hỗ trợ DN, HTX Kiên Giang đưa sản phẩm vào hệ thống Co.op Mart.

Đặc biệt tỉnh Cà Mau tổ chức, tham gia 8 Chương trình giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa DN TP.HCM và tỉnh Cà Mau, có hơn 75 lượt DN/HTX/cơ sở sản xuất của tỉnh tham gia, với hơn 152 biên bản ghi nhớ được ký kết.

Thực hiện chương trình liên kết, trong những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã phối hợp mở các tour, tuyến du lịch kết nối các khu, điểm du lịch với TP.HCM khai thác phục vụ khách du lịch ngày càng đông. Qua đó, lượng khách du lịch đến Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2019, Tiền Giang là tỉnh đón nhiều khách du lịch quốc tế nhất của vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Vũ Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang) cho biết, từ khi có chương trình liên kết năm 2019 đến nay, riêng về du lịch rất hiệu quả. “Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP. HCM đã kết nối được các điểm tham quan, du lịch, đồng thời phát triển được các điểm du lịch mới để giới thiệu cho khách đến tham quan. Ngoài kết nối, giao lưu trong ngành du lịch, TP.HCM còn là kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ về cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng như ngược lại rất hiệu quả. Do vậy, hướng tới sẽ tiếp tục thực hiện theo chương trình kế hoạch đề ra”, ông Khanh đánh giá.

Tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định chương trình liên kết kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL thời gian qua hết sức hiệu quả, nhất là lĩnh vực hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông thủy sản, giáo dục - y tế. TP.HCM đã thể hiện vai trò đầu tàu, dẫn dắt, hỗ trợ các địa phương vùng ĐBSCLvượt qua những khó khăn để phát triển. Chương trình liên kết này cần tiếp tục duy trì, phát huy hơn nữa, hợp tác sâu và toàn diện hơn nhất là lĩnh vực phát triển giao thương, hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, nông nghiệp, du lịch... để đảm bảo  phát triển ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện liên kết, hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP. HCM và vùng ĐBSCL còn một số khó khăn tồn tại, cần được khắc phục trong thời gian tới. Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu rõ, Chương trình liên kết phát triển vẫn còn một số khó khăn.

“Khó khăn đầu tiên là chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và cả vùng. Thứ hai là trong quá trình tổ chức hợp tác phát triển, các địa phương chưa phát huy được vai trò của cộng đồng DN. Thứ ba là trong quá trình triển khai, nhiều cam kết chưa được đặt chẽ, còn nhiều vấn đề trong chỉ đạo, điều hành Chương trình liên kết cần tiếp tục phải nghiên cứu, suy nghĩ để mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Hoan lưu ý.

Dịp này, có 45 DN, HTX của TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực trong thời gian tới./.